Tập đoàn GELEXIMCO thuộc sở hữu của doanh nhân Vũ Văn Tiền. Đại gia bất động sản Vũ Văn Tiền được biết đến như một người giản dị, kín tiếng với truyền thông, không siêu xe và được nhiều người gọi với biệt danh “Tiền Còi”.
» An Bình City – Thành phố trong lòng công viên xanh
» Cập nhật tiến độ bàn giao căn hộ dự án An Bình City
4 công trình nằm trong tầm ngắm của ông Tiền là Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa – Hà Tĩnh và TP. HCM đến Khánh Hòa; Dự án đường bộ cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái; Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam; Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Quy mô vốn đầu tư quá lớn đang được dư luận đặt dấu hỏi, bởi 50 tỷ USD, tức tương đương 1/4 GDP thực tế của Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Mặc dù vậy, đây mới là ý tưởng huy động vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông Việt Nam sau chuyến đi Hong Kong vừa rồi của ông Tiền và hiện thông tin về mức độ góp vốn của Geleximco và HUI ra sao vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Trước sự kiện này, ông Tiền được biết đến là doanh nhân sở hữu 2 tập đoàn lớn là Geleximco và Ngân hàng An Bình.
Đại gia địa ốc
Ông Vũ Văn Tiền (57 tuổi) sinh ra trong một gia đình có 5 anh chị em, quê gốc ở Thái Bình. Ông tốt nghiệp kỹ sư Học viện kỹ thuật quân sự, cử nhân kinh tế Đại học kinh tế quốc dân. Sau tốt nghiệp, ông làm việc tại Tổng công ty Vật tư nông nghiệp, sau đó tách ra mở công ty tư nhân. Ông lấy vợ là bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai và có 3 cô con gái.
Geleximco là tập đoàn kinh doanh đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng, xuất nhập khẩu.
Được thành lập năm từ năm 1993, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển đến nay tập đoàn này có số vốn điều lệ lên tới 6.000 tỷ đồng, doanh thu hàng năm hàng nghìn tỷ đồng và tăng trưởng đạt hơn 10%/năm.
Năm 2007, Geleximco chuyển sang mô hình công ty cổ phần:
Trong lĩnh vực địa ốc, đại gia “Tiền Còi” nổi lên như một tỷ phú đô la với hàng loạt dự án BĐS đình đám như Khu đô thị Geleximco – Lê Trọng Tấn 135ha nằm trên địa bàn huyện Hoài Đức và quận Hà Đông. Phần lớn đất thương phẩm đã bán ra thị trường những năm 2007-2011, hiện không còn nhiều biệt thự và liền kề, chỉ còn khu chung cư cao tầng.
Hay như dự án khác là Thành phố giao lưu Geleximco hợp tác cùng với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Quốc tế Vigeba và Tập đoàn Bảo Việt. Khu đô thị nằm có vị trí rất đắc địa tại địa chỉ số 234 đường Phạm Văn Đồng (sát cạnh Bộ Công an mới) quy mô 95ha gồm có khu biệt thự, nhà phố liền kề, khu tổ hợp chung cư, hồ điều hòa, và các công trình công cộng khác,…
Năm 1996 Công ty CP Xây dựng Quốc tế VIC đã hợp tác với tập đoàn của Thụy Sĩ để đầu tư dự án này, nhưng đến năm 2000 phía Thụy Sĩ đã rút khỏi dự án nên VIC đã hợp tác với đối tác trong nước để triển khai dự án, lập nên Vigeba (gồm các cổ đông sáng lập là Geleximco 30%, Bảo Việt 30% và VIC nắm 10,56%) ông Vũ Văn Tiền là chủ tịch HĐQT Vigeba, công ty này có vốn điều lệ 180 tỷ đồng.
Khu đô thị có tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD, đến nay về cơ bản đã hoàn thiện hạ tầng, một số khu biệt thự như TT4 cơ bản đã bán xong, còn lại khu biệt thự TT2 và dãy nhà phố đang triển khai, hồ điều hòa 15ha cũng đang được xây dựng. Khu chung cư được lập thành dự án riêng là Green Stars gồm 7 tòa chung cư cao 25-27 tầng, quy mô gần 2.000 căn hộ do CTCP Ngôi Sao An Bình là chủ đầu tư.
Ngôi Sao An Bình có vốn điều lệ 550 tỷ, trong đó, tính đến tháng 4/2014 Geleximco đã nắm quyền chi phối khi sở hữu 83%, 14% do Hancorp nắm, và 3% còn lại do 1 cổ đông cá nhân nắm giữ.
Để có dự án gối đầu, đại gia Tiền Còi đã tranh thủ gom đất trong lúc thị trường địa ốc suy thoái. Dự án tuyến đường cao tốc Hòa Lạc –Hòa Bình dài 33km, có tổng mức đầu tư 18000 tỷ đồng đã được Geleximco đề xuất đầu tư theo hình thức BT, đổi lại quỹ đất khoảng 900ha Nam Láng Hòa Lạc và 1 sân golf 36 lỗ.
Tuy nhiên, năm 2013 thì Geleximco đột nhiên rút khỏi dự án này với lý do cho rằng quỹ đất không đủ hoàn vốn đầu tư vào tuyến đường.
Bỏ qua dự án BT Hòa Lạc – Hòa Bình, đại gia Vũ Văn Tiền lại nhắm tới những mảnh đất vàng tại Tp.HCM bằng cách thâu tóm thành công 35% Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) hồi cuối 2014. Bởi Seaprodex hiện đang sở hữu nhiều quỹ đất giá trị như số 4 Đồng Khởi, Q1, Tp.HCM.
Theo giới thiệu của Geleximco, tập đoàn này còn đang là chủ đầu tư nhiều dự án BĐS lớn khác như Dầu Khí –Geleximco tại Hoài Đức 192ha, tổng mức đầu tư 10.322 tỷ đồng; KĐT Đồng Trúc Ngọc Liệp tại Quốc Oai 250ha; KĐT Phú Mãn 461ha, tổng mức đầu tư 6.465 tỷ; KĐT sinh thái Đảo Vạn Cảnh tại Hạ Long…
Năm 2015, ông Tiền khiến giới tài chính bất ngờ khi tham gia vào việc tái cấu trúc Hanic, công ty lúc bấy giờ đang bên bờ vực phá sản khi thị trường bất động sản khó khăn và rắc rối với các đối tác. Chia sẻ về lý do giải cứu một công ty sắp phá sản, ông Tiền từng cho biết, Hanic có lợi thế của một doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, một lĩnh vực mà Geleximco quan tâm.
Ông chủ nhà băng
Với lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Tiền đã tham gia hội đồng quản trị ngân hàng An Bình từ năm 2003 và hiện đang đảm nhiệm chức Chủ tịch tại ngân hàng này, dù tỷ lệ sở hữu của Geleximco tại đây không quá cao, gần 13%. Em rể ông Tiền là Đào Mạnh Kháng hiện cũng đang là thành viên Hội đồng quản trị tại ABB, tham gia từ năm 2011.
Ngoài ngân hàng, ông Tiền còn sở hữu nhiều công ty khác với tên An Bình, như Chứng khoán An Bình, bất động sản An Bình, đầu tư tài chính An Bình, Quản lý Quỹ An Bình…
Với công nghệ thông tin, Geleximco đầu tư vào Tập đoàn CMC, viện quản lý toàn cầu Việt Nam…
Với sản xuất công nghiệp có nhiệt điện Thăng Long, xi măng Thăng Long, giấy An Hoà… Tuy nhiên, Geleximco cuối năm 2012 đã bán 70% vốn tại xi măng Thăng Long cho Semen Gresik Indonesia. Thương vụ này tăng vốn điều lệ xi măng Thăng Long từ 1.750 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng.
Tranh biếm họa của ông Dwi Soetjipto – Tổng Giám đốc Semen Gresik tặng ông Vũ Văn Tiền.