“Cò” xây dựng cam kết với PV: Sẽ dẫn mấy ông trên xã ra xem tận nơi, nếu xây được thì mới làm hợp đồng, đưa tiền cọc. Nếu không xây dựng được trả lại tiền.
LTS: Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong mới đây, lãnh đạo huyện Bình Chánh nhìn nhận: “Vấn đề nóng nhất của địa phương hiện nay là quản lý đất đai và xây dựng, đặc biệt tình hình xây dựng không phép, sai phép”. Pháp Luật TP.HCM thử đi tìm các nguyên nhân dẫn tới thực trạng này và một số giải pháp khắc phục.
Dù chính quyền huyện Bình Chánh đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát quyết liệt, song địa phương này vẫn là điểm nóng của TP.HCM về vi phạm trật tự xây dựng. Theo tìm hiểu, nhiều người dân không đủ tiền để mua nhà có giấy tờ hợp lệ nên đành chọn cách mua đất ruộng, đất nằm trong khu quy hoạch rồi lén lút cất nhà lên ở. Nhà không phép phát sinh từ đó…
Xây nhà lụi rồi trở thành “cò” đất
Trong vai người đi tìm đất xây nhà, chúng tôi tới xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh vào một ngày đầu tháng 9. Tại nhiều tuyến đường trong xã, không khó để nhìn thấy các bảng hiệu “Nhận ký gửi, mua bán nhà, đất” được đặt khắp nơi. Trên đường liên phường 2-6, chúng tôi vừa dừng xe trước một bảng hiệu như vậy thì một phụ nữ tên Chung, trạc 40 tuổi, vội ra săn đón.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua đất để xây nhà, bà Chung cho biết đất ở đây có nhiều giá, thậm chí chỉ cần 100 triệu đồng cũng có được một nền đất 60 m2. Đương nhiên khi mua những lô đất giá rẻ như thế thì phải chấp nhận xài giấy chung và là đất nông nghiệp hoặc là đất lúa…
“Không có nhiều tiền cũng không sao. Đất rẻ như thế vẫn có thể xây nhà, miễn là phải chung chi đàng hoàng. Em muốn làm nhà tôn thì chi 70 triệu đồng/căn, còn nhà tường phải trên 100 triệu đồng” – bà Chung chào mời.
Thấy chúng tôi theo bà Chung đi xem đất, một người đàn ông ngồi gần đó nói với bà Chung: “Bữa nay mà chung 70 triệu đồng ai thèm nhận. Nhà tôn cũng phải 90-100 triệu đồng, còn nhà tường thì hơn 100 triệu đồng. Muốn làm nhà tường thì thầu phải dựng tôn lên, xây bên trong xong rồi lột tôn dần dần, mất công lắm chứ bộ!”.
Để tăng thêm sự tin cậy, bà Chung không ngần ngại cho biết chính căn nhà gia đình bà đang ở cũng xây không phép, phải chung chi mới tồn tại. Nói xong, bà dẫn chúng tôi tới tận nơi để xem. Căn nhà này rộng chừng 68 m2, có tường bằng gạch, nền lát gạch men và cổng xây kiên cố.
Bên ngoài có số nhà, có đồng hồ điện. Bên trong căn nhà có đầy đủ phòng ngủ, nhà bếp, nhà vệ sinh. Xung quanh căn nhà là mảnh đất ruộng khá rộng, đã được chia ra thành từng lô diện tích khoảng 4 x 12 m. Trong đó có lô đang được xây móng, đổ nền, có lô đã xây nhà hoàn chỉnh nhưng được bít bùng bằng tôn cũ nát.
Phần nền, móng mới được xây dựng của một căn nhà không phép ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Ảnh: TÂN – THOA
Bên trong một căn nhà tôn không phép đã có người ở tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Ảnh: TIẾN TÂN
“Ở vài năm là được hợp thức hóa” (?!)
Bà Chung cho biết đã xây căn nhà này cách đây vài năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. “Ban đầu, nhà thầu nhận xây nhà tôn kèm tường cao 1 m với giá 200 triệu đồng, gồm chi phí xây dựng và tiền lót tay. Đến nay tôi chỉ làm tường hoàn chỉnh, chưa xây gác và chưa dỡ lớp tôn bao bên ngoài vì chưa đủ tiền” – bà Chung chia sẻ.
Khi chúng tôi hỏi cần bao nhiêu thời gian để xây xong một căn nhà tương tự, bà Chung nói: “Ban đầu em cứ bịt tôn và phải vào ở tạm ít nhất ba tháng thì mới xây lên được. Nếu em muốn xây nhanh hơn cũng được nhưng phải chung đậm lắm”.
Trên đường đi, chúng tôi thấy một căn nhà đang xây dang dở liền ghé vào hỏi thăm. Người quản lý công trình cho biết tên Thịnh, em trai của Tiến – người có nhiều mối quan hệ để bao xây nhà không phép tại Bình Chánh. “Ông Tiến là “trùm” việc xây nhà không phép tại khu vực này” – bà Chung nói.
Thấy chúng tôi hỏi thăm về việc mua đất xây nhà, Thịnh liền lấy điện thoại gọi cho anh mình. Sau đó, Thịnh nói chắc nịch: “Nếu muốn có nhà tôn với tường cao 1 m, nền lát gạch, có đồng hồ điện theo đúng số nhà thì tổng chi phí là 180 triệu đồng. Trong đó, 100 triệu đồng là tiền bảo đảm xây nhà không bị đập. Nếu xây luôn tường gạch thì phải tốn thêm 100 triệu đồng nữa”.
“Nhưng anh có chắc khi xây nhà cho tụi tôi sẽ không bị chính quyền lập biên bản buộc tháo dỡ không?” – PV hỏi. Thịnh đáp: “Chắc chắn mới lấy tiền, tôi còn đang làm cả 10 căn nhà kia kìa”.
Rồi Thịnh kể trước đây anh ta làm nghề tài xế đường dài, gần đây mới vào TP.HCM giúp anh mình trông coi việc xây nhà. “Anh tôi vào đây từ năm 1992, ban đầu chỉ dám xây nhà lẻ tẻ. Sau đó nhờ ngoại giao tốt nên ảnh mới bung ra làm bất động sản, san lấp mặt bằng…
Anh nghĩ xem, có nhiều nhà xây lên ba năm chưa lắp được đồng hồ điện, bởi chủ nhà và chủ thầu chạy không đúng cửa. Còn hợp tác với tôi, anh được gắn đồng hồ điện, có số nhà, rồi ở một vài năm là xin cấp được giấy đỏ, giấy hồng (?!). Tất nhiên là phải chạy. Anh cứ an tâm liên hệ anh Tiến, ở khu vực này ảnh lo được hết nhưng cần phải có thời gian” – Thịnh huyên thuyên.
Không xây nhà gạch thì làm nhà khung sắt
Căn nhà chúng tôi ghé vào được Thịnh cho khởi công cách đây không lâu nhưng đã xây móng, đổ xong nền. Thịnh luôn miệng cho hay đã xây được nhiều căn tương tự nhưng không bị đập. “Nếu muốn mua đất của chị Chung, anh cứ phôtô một bộ giấy tờ mua bán đưa cho anh Tiến để ảnh xem trước. Anh Tiến sẽ dẫn mấy ông trên xã ra xem tận nơi, nếu xây được thì mới làm hợp đồng, đưa tiền cọc. Anh Tiến với những người này đi riêng, anh không gặp được đâu. Đi công khai có mà mất chức à!” – Thịnh nói tiếp.
Tạm chia tay bà Chung, ông Thịnh, chúng tôi tìm gặp ông Sáu Hùng, một nhà thầu ở đường Dân Công Hỏa Tuyến (ấp 4, xã Vĩnh Lộc A). Ông Hùng dẫn chúng tôi đi qua con đường mòn rải đá lởm chởm vào một cánh đồng đầy cỏ hoang, trên đó có một số căn nhà vừa mọc lên xen kẽ với những căn cũ. Toàn bộ số nhà mới xây bên ngoài đều che tôn cũ gỉ sét, bên trong tường gạch còn chưa kịp tô vữa.
“Bây giờ xây chui không dễ dàng như các năm trước và cũng qua rồi cái thời chớp nhoáng trong một đêm mọc lên hàng loạt căn nhà xây. Nhưng không thể xây nhà gạch thì nhà thầu chuyển sang làm nhà tôn, khung sắt, giá thành rẻ hơn, nếu lỡ bị tháo dỡ thì cũng ít tốn kém” – ông Hùng hướng dẫn.
Theo ông Hùng, trước tiên thì dựng khung nhà sắt, mua tôn cũ che vây lại, rồi chờ đêm vắng người thì xây tường, lát gạch men bên trong. “Dựng xong cái khung là phải dọn vào ở ngay, nếu không muốn bị đập thành đống xà bần. Ở lâu năm sẽ được cấp số nhà, hợp thức hóa được giấy tờ”.
Chuồng bò, chòi giữ vườn biến thành nhà
Năm 2014, UBND huyện Bình Chánh có thông báo tạm ngưng chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất vườn và không cho đăng ký lập chòi giữ vườn ở xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B. Theo UBND huyện, việc tạm ngưng này để chờ hướng dẫn, chấn chỉnh công tác quản lý đất đai trên địa bàn.
Nguyên do theo ông Trần Quốc Quay, Chủ tịch xã Vĩnh Lộc A, là có tình trạng chủ đất đăng ký chuyển đổi đất lúa sang đất vườn rồi san lấp, phân lô bán nền, xây dựng không phép. Bên cạnh đó, người xin làm chòi giữ vườn, xây chuồng bò, chuồng heo nhưng một thời gian sau các công trình đó biến thành nhà ở, nhà xưởng.
Ngoài việc tạm ngưng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trước đó huyện Bình Chánh còn ngưng cấp mới giấy phép kinh doanh vật liệu xây dựng tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Bình Hưng. Theo một lãnh đạo xã Vĩnh Lộc B, các điểm kinh doanh vật liệu xây dựng vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho người vi phạm xây nhà không phép nên cần hạn chế mở rộng loại hình kinh doanh này.
535 là số vụ vi phạm xây dựng (bao gồm xây dựng không phép, sai phép) ở Bình Chánh từ đầu năm 2016 đến nay, tập trung tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng… Con số này tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.
Thầu nói xây được, thầu nói không
Tôi làm thầu xây dựng ở khu vực nhiều năm qua nhưng cũng không thể bao thầu cho công trình không phép. Bây giờ không phải muốn chung chi là được đâu. Mấy người nói làm được là họ chỉ nói vậy thôi, làm lằng nhằng lắm. Nếu làm theo kiểu đó thì nhà cửa của mình cũng không chắc chắn ở lâu bền được.
Ông Thái, một chủ thầu xây dựng xã Vĩnh Lộc A,
huyện Bình Chánh
Pháp luật TPHCM
Đọc thêm:
» Hà Nội: Duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị hai bên tuyến đường vành đai 2.